Facebook Fanpage

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Có nên mở rộng đánh thuế môi trường?

Ảnh

Nhiều mặt hàng gây ô nhiễm môi trường như ắc quy vẫn chưa chịu thuế môi trường. Ảnh: Viettogo.com


Tại Hội thảo phản biện về Luật thuế Môi trường hôm qua, nhiều nhà khoa học cho rằng, còn nhiều mặt hàng tác động xấu đến môi trường như: pin, ắc quy, vải, đồ da…vẫn chưa chịu thuế môi trường.

Dự thảo luật thuế môi trường mới đây chỉ quy định 8 nhóm đối tượng thịu thuế là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi ni lông, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Trong khi đó, còn nhiều mặt hàng khác tác động xấu đến môi trường vẫn chưa chịu thuế như: Pin, ắc quy, máy tính điện tử, vải, đồ da, các sản phẩm du lịch (nhất là lữ hành), nước uống đóng chai…

Cũng trong hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên &Môi trường Việt Nam, đưa ra ý kiến cần phải đánh giá mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm để làm cơ sở cho việc tính thuế như nguyên tắc tính thuế do dự thảo nêu ra là mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường được xây dựng phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Theo nguyên tắc này, mức thuế đáng lý phải căn cứ vào hàm lượng các chất độc hại trong hàng hóa, tuy nhiên, thuế lại được thu theo nguyên tắc mức thuế tuyệt đối. Đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít của xăng dầu phụ thuộc vào hàm lượng khí thải SO2 thải ra khi đốt hoặc hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu.

Thế nhưng, trong dự thảo, mức thuế suất đối với xăng (ví dụ xăng A92 vốn có hàm lượng lưu hùynh chỉ 0,05%) lại cao hơn dầu mazut (vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%) là không hợp lý.

Tương tự, than là mặt hàng cần đánh thuế. Mức độ gây tác động xấu đến môi trường của than gầy, than mỡ, than nâu rất khác nhau lại cùng một mức thuế và tuy sử dụng than gây hại cho môi trường hơn xăng dầu nhưng mức thuế lại thấp hơn xăng dầu.

Tuy nhiên dự thảo luật thuế cũng gặp phải ý kiến phản đối. Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Hương, khoa luật, Đại học Huế nêu quan điểm, cần xem xét kỹ lưỡng việc có nên ban hành Luật thuế môi trường vào lúc này, hay ban hành trong vài năm tới.

ThS Hương đưa ra dẫn chứng, trên thế giới có 30 nước đánh thuế môi trường nhưng đại bộ phận là những nước công nghiệp phát triển, người dân có thu nhập rất cao. Chỉ có sáu nước là Mexico, Congo, Philippines, Malawi, Zimbabwe, và Trung Quốc là thuộc diện các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thuế môi trường ở sáu nước đang phát triển này chỉ đánh vào 1 – 2 mặt hàng, chủ yếu là thuốc trừ sâu, nhất là đánh vào loại thuốc trừ sâu độc hại. Riêng Trung Quốc cũng chỉ mới đánh vào than đá và túi ni lông loại mỏng

“Không có nước đang phát triển nào, kể cả Trung Quốc, đánh thuế môi trường vào xăng dầu. Ngay cả Nhật Bản là nước có nền kinh tế phát triển cao cũng đã quyết định tạm dừng thuê thuế môi trường trong năm tài khoái bắt đầu từ tháng 4/2010”.

Theo các nhà khoa học, nếu thực hiện Dự thảo thuế môi trường trong giai đoạn hiện nay có thể sẽ gây khó khăn cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, nhất là khu vực nông thôn. Thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho toàn thể nhân dân, trong khi thực tế họ khác hẳn nhau về mức sống, kinh tế …Nếu chia trung bình giá trị thuế bảo vệ môi trường theo Dự thảo hàng năm là 57.000 tỷ đồng cho 40 triệu dân lao động thù thuế môi trường bình quân là sẽ là 1, 4 triệu/người/năm, tương đương khoảng 7 tháng thu nhập người nghèo nông thôn, và khoảng 5,5 tháng thu nhập của người nghèo đô thị.

Hương Thu

Theo bạn có nên đánh thuế hết những loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét